Bài 3: Animitation & Transition - Sử dụng đúng lúc đúng chỗ
Chắc chắn các bạn đã từng thấy nhiều Slide với vài chục tới cả trăm hiệu ứng rất mãn nhãn (Chẳng hạn 9Slide), tuy nhiên khi các bạn đi xem thuyết trình của những diễn giả khá nổi tiếng, bạn có thể thấy họ không dùng hoặc dùng rất ít hiệu ứng trong slide
Như vậy, hiệu ứng là thứ đáng dùng hay không?
Nếu bạn không có khả năng để làm những slide với hiệu ứng "lồng lộn" thì bạn không cần quá lo, nếu bạn có kĩ năng thuyết trình tốt, truyền cảm thì điều này dễ dàng cân bằng được việc slide của bạn không quá bắt mắt, tin mình đi.
Để thuận tiện cho phân tích, mình sẽ chia buổi thuyết trình ra làm 3 phần
Phần 1: Mở đầu
Bao gồm phần chào hỏi cho tới khi slide nội dung đầu tiên hiện lên
Phần này các bạn sẽ cần phải làm gì đó để thu hút sự chú ý của người nghe, bởi vì khi thuyết trình trên lớp sẽ thường có 2 tình trạng sau đây xảy ra
Lớp mới vào lớp, chưa ổn định thậm chí còn đang láo nháo phía dưới
Buổi thuyết tình có nhiều nhóm thuyết trình liên tiếp, đen cho nhóm bạn là nhóm gần cuối, và các nhóm phía trên nổi bật quá cũng dở, mà thuyết trình chán quá làm cả lớp cùng cô giáo đều ngán cũng không hay
Nên những cái đoạn intro xịn sò, sáng tạo như Intro dựa trên ý tưởng tìm kiếm Google, hoặc phỏng theo Intro Netflix đưa vào đây đều rất phù hợp
Tất nhiên, cũng cần dựa vào bối cảnh cũng như thăm dò xem giáo viên có quá "nghiêm túc" hay không, vì đôi khi việc bạn dốc sức vào làm một cái intro thật hoành tráng, nhưng không vừa ý "giám khảo" thì sẽ gây ra phản tác dụng.
Phần 2: Toàn bộ phần trình bày nội dung
Như mình đã nói trong bài "Slide ngập trong biển chữ" thì Slide chỉ để MINH HOẠ. Vì vậy nếu bạn đưa quá nhiều hiệu ứng, khán giả sẽ có xu hướng đi ngắm hiệu ứng, chứ chẳng để ý nội dung hay bạn đang nói gì đâu
Vậy tại sao lại gọi là "kiểm soát" nội dung. Thì các bạn hiểu đơn giản như thế này
Chẳng hạn trên 1 slide, bạn có 4 nội dung cần trình bày, thì khi bạn phân tích nội dung 1, thì bạn sẽ muốn khán giả tập trung sâu vào nội dung đó thay vì "đọc trước" nội dung 2,3,4. Sử dụng hiệu ứng sẽ giúp bạn điều chỉnh được thời gian các text box xuất hiện trên slide, giải quyết được vấn đề này
Điều này có thể áp dụng tương tự để điều chỉnh thời gian xuất hiện các bảng biểu, hình ảnh, mô hình
Phần 3: Kết thúc bài thuyết trình + Chuyển qua phần Q&A (Nếu có)
Nếu bạn muốn thu hút lại sự chú ý một lần nữa thì đầu tư vô phần Outtro này (Chẳng hạn cái Tam Giác - Tác Giam)
Nếu bạn cũng đuối khi làm slide rồi, hay không có phần Q&A thì ở đây chỉ cần làm một Slide Thanks for Watching là được
4 loại hiệu ứng của PowerPoint
Entrance (Làm xuất hiện vật thể)
Emphasis (Làm nổi bật vật thể)
Exit (Làm biến mất vật thể)
Motion Path (Làm di chuyển vật thể)
4 nhóm hiệu ứng của PowerPoint
Basic (Cơ bản)
Subtle (Tế nhị)
Moderate (Vừa phải)
Exciting (Gây hứng thú mạnh mẽ)
Theo quan điểm cá nhân, tại phần nội dung thì chỉ nên dùng hiệu ứng nhóm 1 và 2, vừa đủ để đạt được mục đích, vừa đỡ tốn thời gian
Chẳng hạn, có hiệu ứng từng chữ cái một rơi từ trên cao xuống, nếu bạn áp nó lên một đoạn văn hay câu văn dài thì không biết bao giờ đoạn văn đó mới hiện lên đầy đủ để mà đọc
4 cách kích hoạt hiệu ứng trong PowerPoint
On Click: Chạy khi click chuột
With Previous: Chạy song song với hiệu ứng trước
After Previous: Chạy nối tiếp với hiệu ứng trước, nếu đây là hiệu ứng đầu tiên thì hiệu ứng sẽ được tự động kích hoạt ngay khi chuyển tới slide đó
Trigger: Chạy khi có tác động vào một vật thể nào đó trên Slide (Có thể là click chuột vào vật thể, hoặc là Video chạy tới một Bookmark định trước)
Last updated