Bài 7: Cách một chiếc Slide ra đời
Mình năm nay năm Tư, bây giờ đa phần giảng viên môn học đều cho dùng hình thức "Bài tập lớn + Thuyết trình" thay cho kiểm tra viết giữa kì, đại khái cho sinh viên đỡ áp lực, cũng như thúc đẩy cái tính tự nghiên cứu sáng tạo thêm tí chút. Từ đó, cứ tới giai đoạn báo cáo là mình lại ngồi "chạy sô" làm slide, có tuần phải làm 3 - 4 slides là chuyện bình thường.
Đầu tiên, một nhóm sẽ được thành lập và có một đứa làm nhóm trưởng, và nhóm trưởng sẽ phân công việc cho các thành viên trong nhóm, đa phần sẽ có các vị trí sau đây
Tìm kiếm tài liệu
Làm Slide
Tham gia thuyết trình
Tuỳ theo nhóm nhiều người hay ít người, mà một người có thể tham gia 1 hoặc 2 vai trò, ví dụ nếu đông người thì giai đoạn đầu đứa làm slide có thể ngồi chơi, đợi cho tài liệu được thu thập xong hết, còn nếu nhóm ít, thì đứa làm slide cũng phải đi tìm kiếm một phần tài liệu.
Giai đoạn một: Tìm kiếm tài liệu
Tra trên Google, tra trong giáo trình, lấy của khoá trước, vân vân mây mây, nói chung là đủ nguồn. Đứa nào tâm huyết thì ngồi chọn lọc, gạch ý tử tế, đứa nào lười thì cứ page nguyên source vào Google Docs là được
Kết thúc giai đoạn này, chúng ta sẽ thu được một file Doc
Nếu môn đó yêu cầu thấp thì File Doc này là tổng hợp tất cả những gì mấy đứa đi tìm tài liệu lấy về được, ngoài gửi cho đứa làm slide thì nó còn làm TapeScript xài khi thuyết trình (Mặc dù cầm TapeScript thì thuyết trình vô cùng dở + gây buồn ngủ, nhưng cái này nói sau).
Nếu môn đó yêu cầu cao hơn, thì File Doc này phải qua bào chế một lần nữa, để thành một cái gọi là tiểu luận, hay báo cáo.
Giai đoạn hai: Làm Slide
Dựa vào file Doc thông tin từ giai đoạn trước, bây giờ bộ phận làm Slide mới bắt tay vào làm việc
Đầu tiên là chọn một Template hợp lí
Nếu file Doc chưa được format (Lọc ý, gạch đầu dòng) thì giờ đây đứa làm Slide phải ngồi lọc, mà để lọc đúng thì đòi hỏi phải có kiến thức nhất định, còn đứa nào lười hoặc sắp tới Deadline thì cứ copy nguyên từng đoạn quăng lên Slide, rồi những slide ken đặc chữ ra đời
Đưa ý lên Slide, chỉnh sửa bố cục và thêm hiệu ứng
Giai đoạn ba: Thuyết trình
Nếu dư thời gian, thì nhóm có thể có một buổi thuyết trình thử (rehearsal) để cả nhóm nắm được thời gian + thực hiện điều chỉnh nếu cần
Còn không thì cứ tới ngày thuyết trình thì đi thôi, có khi người thuyết trình còn chưa được nhìn Slide, nên không biết nói tới đoạn nào thì slide chuyển, và cũng không biết slide sau nội dung có gì luôn.
Viết tới đây đã dài, bài sau mình sẽ nói kĩ hơn về từng giai đoạn một, để các bạn có được một bài thuyết trình tốt nhất trong khả năng
Last updated